Những câu vấn ý tứ sâu xa, câu đố lắt léo khó giải, những câu đáp, câu họa đón đỡ chí tình,văn vẻ và sắc bén này, theo các cụ làng Chảy, làng Gừa và thần phả của 2 làng thì nó đã được cất lên từ rất lâu rồi và có mối quan hệ mật thiết với quân đội – tức gắn liền với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đó là nguồn gốc mang đậm dấu ấn lịch sử Đại Việt. Liêm Thuận có dòng sông La Giang chảy qua, ngày xưa quanh năm nước ngập mênh mông như biển cả, được các Vương Trần chọn làm nơi cát cứ và là nơi cất giấu quân lương. Vì là cát cứ của các Vương Trần nên thủy quân nhà Trần bơi thuyền canh gác ngày đêm. Những câu hát trống canh, tiếng trống canh của binh lính thời Trần đã có ở Liêm Thuận từ ngày ấy. Cũng do địa hình sông nước, người dân bước chân đi là bước chân tới thuyền mà chèo, mà chở làm ăn buôn bán sinh hoạt cộng đồng. Những lúc hiu quạnh giữa cánh đồng nước mênh mông họ thường cất lên tiếng hát để xua đi mệt mỏi, sự buồn tẻ trước không gian rộng lớn. Người này hát, người kia nghe thấy hay lại hát theo, hay ngẫu hứng đáp lại, khiến cho những cuộc hát dần hình thành và diễn ra một cách tự nhiên. Ban đầu chỉ là những đám hát nhỏ giữa một vài người, sau lớn dần thành làng này đua tài với làng kia để rồi hình thành nên cuộc hát trống quân giữa các xóm, làng trong xã. Cứ như thế câu hát trống quân trở nên quen thuộc, ăn sâu vào nếp sống của người dân Liêm Thuận.