Sau khi ký kết Hiệp định Paris, các bên tham gia ký kết đã tiến hành trao trả tù binh, nhân viên dân sự và thường dân nước ngoài bị bắt dưới sự giám sát của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế. Tuân thủ theo Điều 8 của Hiệp định, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao trả theo thời hạn quy định đối với tất cả các nhân viên quân sự Mỹ và thường dân nước ngoài bị bắt ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng đã trao trả các quân nhân bị bắt giữ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. 

Vào ngày 16/4/1973, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam. Theo đó, cả Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã liên tục vi phạm Hiệp định. Bên cạnh đó, phía Việt Nam Cộng hòa đã không chịu trao trả hết số nhân viên quân sự và không chịu trao trả một nhân viên dân sự nào cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn còn hàng chục vạn tù chính trị vẫn chưa được trao trả và hiện vẫn đang bị giam cầm trong các nhà tù dưới tên gọi Trung tâm Cải huấn được thiết lập ở hầu khắp các tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, vào ngày 10/4/1973, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Văn Thiệu đã khăng khăng khẳng định rằng, ở miền Nam Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có hai loại tù nhân gồm thường phạm và tội phạm cộng sản. Như vậy, trên thực tế, cuộc chiến đấu của các tù chính trị ở miền Nam Việt Nam nói chung và ở Côn Đảo nói riêng vẫn chưa kết thúc.